Chuyện xe tầu ở xứ ta

“Xe tầu đi rụng bánh” tuy chỉ là một câu nói đùa của các khách hàng Việt, nhưng nó lại phản ánh một định kiến không dễ xóa mờ về những chiếc xe hơi mang thương hiệu Trung Quốc…

Có vượt qua được định kiến?

Hơn 10 năm trước, khi làn sóng những chiếc xe Trung Quốc như Lifan520, Chery QQ, Haima M2… tràn vào Việt Nam, người tiêu dùng Việt đã khấp khởi mừng với hy vọng sớm được sở hữu những chiếc xe đẹp mà rẻ, bởi khi đó, các mẫu xe Đức, Nhật, Hàn trên thị trường rất ít lựa chọn và có giá khá cao so với mặt bằng thu nhập. Tuy nhiên, những chiếc xe “tầu” ngày ấy dẫu được sản xuất bởi các thương hiệu lớn ở đại lục nhưng về bản chất vẫn chỉ là những bản sao chép nhặt nhạnh về thiết kế đi cùng với một động cơ lạc hậu, mua lại thiết kế các phiên bản động cơ của Mitsubishi hay Suzuki đã ngừng sản xuất từ lâu.

Chiếc sedan hạng C Lifan 520

Sự non yếu về kinh nghiệm chế tạo cũng như không có các bí quyết công nghệ cần thiết đã mau chóng bộc lộ trên các mẫu xe có vẻ ngoài bóng bẩy ấy. Xe “xuống” trầm trọng sau vài năm lăn bánh, lọc xọc, hỏng vặt và hơn hết là khó khăn trong tìm kiếm phụ tùng thay thế. Sau gần chục năm, hình ảnh những chiếc “xe tầu” hầu như đã phai mờ, nhưng những dư âm xấu về “xe tầu” thì vẫn còn rất đậm trong tâm lý người tiêu dùng Việt. Cũng phải thôi, giống như những chiếc “wave tầu”, ô tô Trung Quốc đưa về Việt Nam khi đó hầu hết là các sản phẩm đã lỗi thời hoặc ra mắt đã lâu tại nước bạn nên thường có giá rẻ. Nên khi người tiêu dùng ‘vỡ mộng’, cũng là lúc làn sóng “xe tầu” tan đi như bong bóng xà phòng.

Mẫu xe Chery QQ với thiết kế hao hao chiếc Daewoo Matis và giá bán chỉ bằng một nửa

Không còn là “xe tầu” của ngày xưa nữa

Chính phủ Trung Quốc  đã kiên trì thực hiện các chính sách liên doanh bắt buộc 50:50 giữa các hãng xe lớn trên thế giới với các doanh nghiệp ô tô nội địa như Honda, Nissan, Peugeot với DongFeng; Toyota với FAW; Ford với Changan; General Motors và Wolkswagen với SAIC; Mercedes, Hyundai với BAIC… Kết quả là, các hãng xe Trung Quốc giờ đây đã có những bước tiến rất dài trong việc nắm bắt các công nghệ quan trọng của ngành sản xuất xe hơi. Cùng với đó, họ còn có nhiều ký kết hợp tác với các “ông tây” để cùng phát triển sản phẩm mới cho thị trường nội địa đầy béo bở, bằng cách sử dụng chung một nền tảng thiết kế động cơ và hệ thống khung sườn. Nhờ đó, các mẫu xe mới phục vụ thị trường nội địa có chất lượng không hề thua kém các mẫu xe châu Âu mà giá thành lại rất “vừa miếng”.

Beijing X7 tại triển lãm Shanghai Motor Show 2019

Cuối năm 2020, sự ra mắt của mẫu xe BAIC Beijing X7 tại thị trường Việt Nam đã lập tức tạo nên một cơn sốt mới với “xe tầu”. Nhận được rất nhiều đánh giá cao từ các chuyên gia, các reviewer và cả người tiêu dùng, X7 dường như là một dấu hiệu khởi đầu cho một làn sóng mới của xe Trung Quốc vào Việt Nam. Đây cũng là mẫu xe có sự xuất hiện đồng thời trên thị trường cả ở Trung Quốc và Việt Nam ngay sau Shanghai Motor Show 2020. Sau một năm, sự xuất hiện ngày càng nhiều Beijing X7 trên đường phố Việt Nam có lẽ là một minh chứng tốt cho chất lượng của những chiếc “xe tầu” thế hệ mới. Sự hoài nghi, kỳ thị và định kiến của người tiêu dùng Việt nhờ đó cũng dần thay đổi.

Nội thất rất đẹp và ngập tràn công nghệ của chiếc Beijing X7

“Xe tầu” đã thực sự tốt chưa?

Sẽ là quá vội khi khẳng định rằng, mọi mẫu xe Trung Quốc nhập về hiên tại là đều tốt cả. Câu chuyện nhập khẩu các mẫu xe đã ngừng sản xuất tại đại lục về bán với “giá hời” tại Việt Nam vẫn còn là một “cái bẫy” mà người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo. Beijing X7 tốt, các mẫu xe HS hay ZS của MG Motor cũng rất tốt, nhưng còn vô vàn các mẫu xe bóng bẩy khác đang về Việt Nam theo dạng nhập khẩu nhỏ thì chưa có gì kiểm chứng. Đó cũng là trở ngại lớn trên con đường xóa bỏ định kiến về chất lượng “xe tầu” trong lòng người Việt.

Hai chiếc xe đua Trung Quốc tung hoành tại VOC và luôn đạt được thứ hạng cao ở các mùa giải tham dự

BAIC là một hãng xe trung ương lớn nhất nhì đại lục, họ đã mạnh dạn bật đèn xanh cho đơn vị nhập khẩu tại Việt Nam đưa 2 chiếc xe SUV BJ40 tham dự giải Vietnam Offroad Cup (VOC) 3 năm liền. Đây là một giải đua xe địa hình lớn nhất tại Việt Nam, nơi được đánh giá là đầy khốc liệt và “khó nhằn” với ngay cả các hãng xe “tây” đang có mặt tại Việt Nam. 3 năm liên tiếp, 2 chiếc BJ40 tham gia thi đấu đã không hề “rụng bánh” như lo lắng ban đầu mà đều giành chiến thắng ở hạng đua của mình, tạo nên một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử 13 năm tổ chức của giải đấu này.

Đội đua 311 giành ngôi vị quán quân năm thứ 2 liên tiếp và là năm thứ 3 đứng trên bục vinh quang.

Chứng minh bằng cách lao vào chỗ khó nhất chính là cách làm hiệu quả và chuyên nghiệp nhất của một thương hiệu đang muốn khẳng định mình, dẫu đó là một cuộc chơi đầy rủi ro, nhưng thực sự cần thiết. Trung Quốc là một thị trường khổng lồ mà tất cả các hãng xe trên thế giới đều thèm muốn, đó cũng là cơ hội cho các hãng xe nội địa phát triển sản phẩm của mình tiệm cận với thế giới, điều mà hơn 20 năm qua, Việt Nam chúng ta đã không làm được.

Đội Đua PAC-BAIC-BJ40-227 tại VOC 2021

Ở sát cạnh một nước lớn với cả trăm hãng xe ô tô cả xăng lẫn điện đang không ngừng phát triển, không khó để nhận ra rằng, Việt Nam sớm muộn cũng sẽ được “phủ sóng” bởi các mẫu “xe tầu” ngon – tốt – rẻ, điều quan trọng là người tiêu dùng phải biết tỉnh táo chọn cho mình sản phẩm thực sự tốt chứ không chỉ nhìn vào cái vẻ ngoài hào nhoáng, tránh phải “ngậm trái đắng” như họ đã từng hơn 10 năm về trước.

Bình luận